THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 121/2021/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ CÓ THƯỞNG DÀNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Nghị định số 121/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 121/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn các nội dung về quản lý đồng tiền quy ước; phí cấp phép; chế độ tài chính; giảm giá; chế độ kế toán và báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 12, Điều 27, khoản 2 Điều 35, khoản 4 Điều 36, Điều 37 Nghị định số 121/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 121/2021/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
2. Đối tượng được phép chơi và đối tượng được phép ra, vào các Điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến việc cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Quản lý đồng tiền quy ước
1. Tối thiểu 05 ngày làm việc trước khi đưa đồng tiền quy ước vào kinh doanh, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về hình thức, mẫu mã, số lượng, chủng loại đồng tiền quy ước với Sở Tài chính và cơ quan thuế trực tiếp quản lý tại địa phương để theo dõi, quản lý.
2. Doanh nghiệp được quyền tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước theo nhu cầu quản lý. Tối thiểu 05 ngày làm việc trước thời điểm tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản với Sở Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý tại địa phương để theo dõi, quản lý. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời điểm tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước, lý do tạm ngừng sử dụng đồng tiền quy ước, thời gian dự kiến tiếp tục sử dụng trở lại. Trường hợp có thay đổi về thời điểm tiếp tục sử dụng đồng tiền quy ước trở lại, doanh nghiệp phải thông báo lại bằng văn bản cho các cơ quan này.
3. Doanh nghiệp phải mở Sổ theo dõi quản lý đồng tiền quy ước, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Hình thức đồng tiền quy ước;
b) Số lượng, chủng loại đồng tiền quy ước doanh nghiệp mua, tái xuất hoặc tiêu hủy, trong đó cụ thể theo từng mệnh giá và loại ngoại tệ, ngày mua, tái xuất hoặc tiêu hủy, tên nhà sản xuất, cung cấp (nếu có);
c) Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Điều 4. Quản lý tiền mặt, đồng tiền quy ước tại kho quỹ, quầy thu ngân và tại các máy trò chơi điện tử có thưởng
1. Doanh nghiệp phải xây dựng và ban hành quy định về quy chế quản lý tài chính, quy trình quản lý đồng tiền quy ước và tổ chức quản lý đảm bảo tách bạch giữa kho quỹ, quầy thu ngân và tại các máy trò chơi điện tử có thưởng.
2. Doanh nghiệp chỉ được phép đổi tiền mặt, đồng tiền quy ước cho người chơi trước khi chơi và đổi trả lại tiền mặt cho người chơi tại quầy thu ngân và phải lập Hóa đơn đổi tiền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Bộ phận thu ngân phải theo dõi cụ thể số lượng tiền, đồng tiền quy ước thực tế giao dịch trong kỳ.
3. Doanh nghiệp phải bố trí các hòm (túi) chuyên dụng để đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước. Các hòm (túi) này phải được niêm phong trước khi mang ra khỏi kho quỹ và ngay sau khi mang ra khỏi máy trò chơi điện tử có thưởng.
4. Việc mở niêm phong các hòm (túi) và việc kiểm kê, tính toán giao dịch tại quầy thu ngân phải được thực hiện vào một thời gian nhất định theo quy định tại quy chế quản lý tài chính, quy trình quản lý đồng tiền quy ước của doanh nghiệp và phải được xác nhận theo các mẫu hóa đơn chứng từ gồm: Phiếu xuất đồng tiền quy ước, Phiếu nhập đồng tiền quy ước, Phiếu tổng hợp doanh thu, Phiếu kết toán thu ngân quy định tại Phụ lục số 02, 03, 04 và 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Phí cấp phép
1. Phí thẩm định cấp, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 150.000.000 đồng.
2. Phí thẩm định cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 5.000.000 đồng.
3. Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là khoản thu thuộc ngân sách trung ương.
4. Sau khi thẩm định doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định theo quy định của pháp luật.
5. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành theo quy định của Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung (nếu có) và gửi một (01) liên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước đến Bộ Tài chính. Doanh nghiệp chỉ được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi đã nộp phí vào ngân sách nhà nước.
Chương III
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Điều 6. Nguyên tắc hạch toán và quản lý doanh thu, chi phí
1. Doanh nghiệp có trách nhiệm hạch toán các khoản doanh thu, chi phí phù hợp với các chuẩn mực kế toán và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải thực hiện hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và theo dõi riêng các khoản mục này trên hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính. Trường hợp không hạch toán riêng được doanh thu từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng thì toàn bộ doanh thu này được tính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và là doanh thu để tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
3. Việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập khác và các nội dung liên quan đến thuế đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 7. Doanh thu
1. Doanh thu hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng bao gồm:
a) Doanh thu trực tiếp từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là toàn bộ số tiền thu được do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết.
b) Doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.
2. Việc giảm giá của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 121/2021/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Đối tượng được giảm giá là người chơi mua đồng tiền quy ước với giá trị tối thiểu là 50.000 đô la Mỹ (USD)/lần.
b) Doanh nghiệp được giảm trừ doanh thu tính thuế theo quy định pháp luật về thuế. Phương thức xác định thuế được giảm trừ thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
c) Doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về chính sách giảm giá.
Điều 8. Chi phí
1. Chi phí hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là toàn bộ chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng được xác định theo quy định của pháp luật. Trường hợp chi phí hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện phân bổ chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.
2. Chi phí trả thưởng là số tiền thực tế doanh nghiệp trả cho người chơi trúng thưởng khi tham gia chơi các trò chơi trên máy trò chơi điện tử có thưởng theo quy định tại Thể lệ trò chơi và quy định của pháp luật về thuế.
Điều 9. Chế độ kế toán, kiểm toán
1. Doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán theo quy định của Luật Kế toán và các quy định pháp luật hiện hành về kế toán.
2. Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
3. Doanh nghiệp thực hiện chế độ lưu trữ báo cáo tài chính theo quy định tại Luật Kế toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Riêng đối với các mẫu kê khai quy định tại Phụ lục số 01, 02, 03, 04 và 05 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian lưu trữ tối thiểu là 05 năm nhằm phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 10. Chế độ báo cáo
1. Đối với báo cáo tài chính
a) Doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải lập báo cáo tài chính quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này và gửi cho Bộ Tài chính, Sở Tài chính, và Cục Thuế địa phương chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;
b) Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Đối với báo cáo nghiệp vụ
a) Định kỳ hàng quý, kết thúc năm, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải lập và gửi các báo cáo nghiệp vụ sau:
- Báo cáo số lượng, chủng loại máy, loại hình trò chơi điện tử có thưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo tình hình mua, sử dụng, tái xuất hoặc tiêu hủy thiết bị của máy trò chơi điện tử có thưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Thời gian chốt số liệu báo cáo
- Đối với báo cáo định kỳ hàng quý: Tính từ ngày 01 của tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo;
- Đối với báo cáo định kỳ hàng năm: Tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.
c) Thời hạn gửi báo cáo và nơi nhận báo cáo
Các báo cáo nghiệp vụ quy định tại điểm a khoản này gửi cho Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) và Cục Thuế địa phương chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán (quý, năm). Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này.
3. Ngoài các báo cáo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải thực hiện lập và gửi báo cáo đột xuất cho Bộ Tài chính theo yêu cầu quản lý.
4. Phương thức gửi báo cáo
a) Gửi trực tiếp dưới hình thức văn bản giấy;
b) Gửi qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức văn bản giấy;
c) Gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng;
d) Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra và chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 121/2021/NĐ-CP , quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 12. Trách nhiệm của Cục Thuế địa phương
1. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 121/2021/NĐ-CP , quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí đối với các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
1. Tuân thủ quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định tại Nghị định số 121/2021/NĐ-CP , quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chế, quy trình quản lý nghiệp vụ của doanh nghiệp đảm bảo minh bạch, trung thực và tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 8 năm 2022.
2. Thông tư này thay thế các văn bản sau:
a) Thông tư số 11/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
b) Thông tư số 57/2017/TT-BTC ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
3. Thông tư này bãi bỏ Điều 8 Thông tư số 84/2020/TT-BTC ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.