Ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến hướng dẫn quyết toán thuế TNDN trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế tại địa chỉ http://www.gdt.gov.vn. Thông qua buổi hỗ trợ, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và trả lời nhiều câu hỏi, vướng mắc. Sau đây là nội dung giải đáp một số câu hỏi thường gặp:
A. Giải đáp câu hỏi liên quan chi phí được trừ
Câu hỏi 1
Năm 2021, Công ty chi tiền mặt cho các hộ dân chịu ảnh hưởng covid 19 thông qua UBND, có biên bản xác nhận ủng hộ, chứng từ thanh toán. Vậy công ty chúng tôi có được xác định đó là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN không?
Trả lời
Trường hợp năm 2021 Công ty phát sinh khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ đơn vị thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ.
Câu hỏi 2
Công ty đã trả đủ tiền lương hàng tháng cho các F1 và F0 trong năm 2021. Công ty đã có quy chế tài chính về việc chi trả lương F1 F0. Công ty có được đưa vào chi phí được khấu trừ tính thuế TNDN không? Công ty có được đưa vào chi phí được khấu trừ tính thuế TNDN nếu khoản chi này được chi từ quỹ phúc lợi 1 tháng lương không?
Trả lời
Trường hợp Công ty đã chi trả tiền lương hàng tháng cho người lao động là F1, F0 mà khoản chi này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp khoản chi nêu trên có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Câu hỏi 3
Trong năm 2021, Công ty chỉ hoạt động 3 tháng, còn lại phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Vây xin hỏi toàn bộ chi phí khấu hao TSCĐ và phân bổ CCDC, Công ty có được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN không?
Trả lời
Về chính sách thuế TNDN đối với trường hợp tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định do dịch covid-19, Bộ Tài chính đã hướng dẫn tại công văn số 12452/BTC-TCT ngày 9/10/2020. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch covid-19 dẫn tới nhu cầu thị trường sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thuộc trường hợp tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Câu hỏi 4
Công ty TNHH một thành viên làm hợp đồng thuê xe ô tô do cá nhân làm chủ sở hữu đứng tên thì chi phí thuê xe ô tô này có được tính vào chi phí được trừ không?
Trả lời
Tại khoản 3, khoản 4 Điều 77 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định: “Điều 77. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty
...
3. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4. Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty”.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính, các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên và không thuộc các khoản chi không được trừ thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trường hợp Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ sở hữu có hợp đồng thuê xe ô tô nhưng hợp đồng do cá nhân đứng tên chưa tuân thủ đúng nghĩa vụ của chủ sở hữu Công ty quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 77 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì chi phí thuê xe ô tô này không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Câu hỏi 5
Xin hỏi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế là khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không? khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế là khoản doanh thu tài chính tính thuế TNDN không?
Trả lời
Việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2.21 Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC).
Việc tính vào thu nhập hoặc chi phí đối với chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính (không bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ) thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
Câu hỏi 6
DN chúng tôi là Công ty 100% vốn nước ngoài, có doanh thu hàng năm 100% từ xuất khẩu. Chúng tôi có phát sinh khoản vay vốn từ công ty mẹ; năm 2019, chi phí lãi vay chưa thanh toán là 600tr VNĐ, năm 2020 là: 500tr VNĐ (Công ty không tính vào chi phí được trừ của cả hai năm do chưa thanh toán). Năm 2021, Công ty thanh toán lãi vay năm 2019 và 2020 là 1.100tr. Theo NĐ 132/2020, mức trần lãi vay được trừ năm 2021 là: 1.200tr. Vậy, 1.100tr lãi vay của năm 2019 và 2020 đã thanh toán năm 2021 có được tính vào chi phí được trừ năm 2021 không?
Trả lời
Công ty vay vốn từ Công ty mẹ, năm 2019 chưa thanh toán 600tr VNĐ, năm 2020 là 500 tr VNĐ thì khoản chi phí lãi vay của 2 năm chưa thanh toán là chi phí lãi vay phát sinh tương ứng với doanh thu của kỳ tính thuế năm 2019 và năm 2020. Công ty phải xác định chi phí lãi vay được trừ của năm 2019, 2020 theo quy định của Nghị định số 68/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP nếu thuộc phạm vi điều chỉnh của 02 Nghị định này. Thời điểm Công ty chi trả chi phí lãi vay vào năm 2021 là thực trả, nếu khoản chi phí lãi vay này không tương ứng với doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2021 thì Công ty không được tính vào chi phí được trừ của năm 2021.
Câu hỏi 7
Xin hỏi: “Chi phí tổ chức hội thảo" diễn ra giữa các đơn vị có quan hệ mua bán hàng hoá, có đầy đủ hồ sơ chứng từ, có được đua vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?
Trả lời
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN: “1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1.Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 2.Khoản chi có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. 3.Khoản chi nêu có đủ hóa đơn mua hoàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.…”
Nếu khoản chi phí tổ chức hội thảo của Công ty liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên và hồ sơ chứng từ liên quan đến khoản chi phí hội nghị, liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện đúng quy định.
Câu hỏi 8
Công ty chúng tôi có mua một phần mềm kế toán 700 triệu (chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu). Vậy chúng tôi được hạch toán vào chi phí khấu hao TSCĐ hay phân bổ dần chi phí trong 3 năm?
Trả lời
Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn và nhận biết Tài sản cố định vô hình.
Tại khoản 2.2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về điều kiện xác định khoản chi phí khấu hao TSCĐ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Công ty căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên và hồ sơ chứng từ của tài sản để xác định phần mềm kế toán của Công ty mua có đủ điều kiện để xác định là TSCĐ hay không để thực hiện theo đúng quy định.
Câu hỏi 9
Doanh nghiệp mới thành lập được ưu đãi theo địa bàn khu công nghiệp (miễn 2 giảm 4) có phát sinh hoạt động thương mại tại địa bàn khó khăn. Hoạt động này có được hưởng ưu đãi thuế hay không?
Trả lời
Tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định về thuế TNDN quy định:
“17. Bổ sung Điểm đ Khoản 2 Điều 19 như sau:
đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ phát sinh ngoài khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và địa bàn ưu đãi thuế không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 4 và Điều 15, Điều 16 Nghị định này.”
Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành thì ưu đãi thuế TNDN áp dụng đối với dự án đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện thực hiện dự án tại khu công nghiệp thì các khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại địa bàn khu công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN (trừ một số khoản loại trừ như: thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản,....). Thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ phát sinh ngoài khu công nghiệp và địa bàn ưu đãi thuế không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp của đơn vị hỏi không nêu rõ cụ thể dự án đầu tư của doanh nghiệp, không nêu rõ thời điểm được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Do đó, đề nghị đơn vị căn cứ văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế TNDN và tình hình thực tế thực hiện dự án và khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động thương mại để xác định ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
B. Giải đáp câu hỏi liên quan giao dịch liên kết
Câu hỏi 1
Công ty chúng tôi có thuê bên tư vấn lập hồ sơ giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP cho giao dịch liên kết trong năm 2021. Cơ sở dữ liệu sử dụng để so sánh lợi nhuận là cơ sở dữ liệu thương mại của hãng Bureau van Dijk thì có được chấp nhận theo quy định không. Ở Việt Nam có cơ sở dữ liệu thương mại nào để lập hồ sơ xác định giá thị trường.
Trả lời
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ thì doanh nghiệp được sử dụng cơ sở dữ liệu thương trong việc kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết. Thông tin được cung cấp bởi hãng Bureau van Dijk là cơ sở dữ liệu thương mại được chấp nhận.
Câu hỏi 2
Công ty chúng tôi trong năm 2021, chưa phát sinh doanh thu nhưng có vay (thực nhận) của công ty mẹ 3.5 triệu Đô la Mỹ (khoảng 80 tỷ VNĐ) có phát sinh lãi vay. Vậy công ty tôi có được miễn lập hồ sơ giao dịch liên kết trong trường hợp doanh thu nhỏ hơn 50 tỷ, tổng giá trị giao dịch liên kết dưới 30 tỷ không.
Trả lời
Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ, trường hợp trong năm 2021 Công ty chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh giao dịch liên kết có tổng giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên thì Công ty không thuộc trường hợp được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Câu hỏi 3
Công ty có khoản vay dài hạn 70 tỷ từ công ty mẹ 5 năm, đã nhận tiền vay từ năm 2021, đến năm nay thì DN có doanh thu dưới 50 tỷ, lãi vay phát sinh 5 tỷ. Vậy xin hỏi năm nay doanh nghiệp dc miễn lập hồ sơ giao dịch liên kết theo tiêu chí doanh thu dưới 50 tỷ và tổng giao dịch liên kết dưới 30 tỷ đúng hay không? Trong trường hợp này thì lãi vay của DN có phải chịu mức tối đa 30% EBITDA không?
Trả lời
Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ thì trường hợp Công ty có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của năm 2021 dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2021 dưới 30 tỷ đồng thì Công ty có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo Phụ lục I (ban hành kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP) nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Về tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; đề nghị Công ty căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của Công ty để thực hiện.
Câu hỏi 4
Tiền nộp hộ thuế nhà thầu nước ngoài có được coi là khoản chi hộ trong báo cáo giao dịch liên kết không?
Trả lời
Căn cứ quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/T-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính thì Trường hợp, nhà thầu nước ngoài không đáp ứng được điều kiện để kê khai, nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam thì Bên Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài. Khoản này không được xác định là khoản nộp hộ trong báo cáo giao dịch liên kết.
Câu hỏi 5
Trường hợp công ty tôi có EBITDA tính ra có kết quả âm năm 2020 thì phần chi phí lãi vay không được trừ trong năm 2020 có được chuyển sang tính quyết toán thuế năm 2021 (EBITDA năm 2021 >0) hay không ?
Trả lời:
Trường hợp trong kỳ tính thuế năm 2021, doanh nghiệp là đối tượng áp dụng của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, thì phần chi phí lãi vay năm 2020 vượt quá mức khống chế theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ của năm 2021 với điều kiện tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của năm 2021 thấp hơn mức 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Câu hỏi 6
Trường hợp doanh nghiệp (DN) vay vốn từ công ty góp 50% vốn thành lập DN (thuộc trường hợp phải lập hồ sơ giao dịch liên kết) thì có phải lập phụ lục III -danh mục hồ sơ tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu theo NĐ132/2020 khi quyết toán thuế TNDN không? Có phải lập hồ sơ toàn cầu không?
Trả lời
Tại điểm khoản 3, khoản 4 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định "Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết
……
3. Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I,Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Người nộp thuế có trách nhiệm lưu giữ và cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết là các thông tin, tài liệu, số liệu, chứng từ gồm:
…….
c) Hồ sơ toàn cầu là các thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia, chính sách và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết của tập đoàn trên toàn cầu và chính sách phân bổ thu nhập và phân bổ các hoạt động, chức năng trong chuỗi giá trị của tập đoàn theo danh mục các nội dung thông tin, tài liệu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
Căn cứ quy định trên, trường hợp Doanh nghiệp có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, thì doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP và lưu trữ, cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (bao gồm hồ sơ toàn cầu) khi có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền - trừ các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 19 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Câu hỏi 7
Công ty em có vay của giám đốc 30 tỷ và có phát sinh lãi vay 2.4 tỷ, như vậy có được xem là giao dịch liên kết không? Nếu có, xin hướng dẫn cách kê khai phụ lục 1 giao dịch liên kết.
Trả lời
Tại điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định: “l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.” .
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty vay của Giám đốc với mức vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay tiền giữa Công ty với Giám đốc là giao dịch liên kết.
Về việc kê khai phụ lục 1 giao dịch liên kết: Trong thông báo nâng cấp ứng dụng HTKK trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế đã có tài liệu hướng dẫn chi tiết cho nội dung bạn hỏi. Bạn truy cập cổng thông tin của Tổng cục Thuế và tải tài liệu theo link sau: http://gdt.gov.vn/wps/portal/home/hotrokekhai?1dmy¤t=true&urile=wcm:path:/gdt+content/sa_gdt/htkk/soft_sup_declares
C. Giải đáp câu hỏi liên quan đến miễn giảm, ưu đãi thuế TNDN
Câu hỏi 1
Năm 2021 những Doanh nghiệp nào thuộc đối tượng được miễn giảm 30% thuế TNDN?
Trả lời
Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định:
“2. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này, có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.
Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
a) Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập là năm 2020 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2022 mà có thời gian ngắn hơn 03 tháng và doanh nghiệp được cộng vào kỳ tính thuế năm 2021 để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc xác định doanh thu và số thuế được giảm chỉ áp dụng đối với 12 tháng của kỳ tính thuế năm 2021.”
Nếu Công ty đáp ứng các điều kiện nêu trên thì Công ty được giảm thuế TNDN theo quy định.
Câu hỏi 2
Trong năm 2021, doanh nghiệp tôi có doanh thu từ hoạt động tài chính, cụ thể là doanh thu từ lãi các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. Doanh thu này trong năm 2021 nhỏ hơn 200 tỷ và thấp hơn doanh thu năm 2019. Vậy doanh thu từ hoạt động này có được giảm 30% thuế TNDN năm 2021 không?
Trả lời
Căn cứ quy định khoản 2 Điều 1 của Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ, Công ty được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 nếu có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019. Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác. Do đó, doanh thu từ hoạt động tài chính (doanh thu từ lãi các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn) không phải là doanh thu để xác định giảm thuế TNDN.
Câu hỏi 3
Công ty tôi mới thành lập vào đầu năm 2021. Doanh thu năm 2021 đạt gần 2 tỷ. Vậy xin hỏi Công ty tôi có được giảm 30% thuế TNDN của năm 2021 ko?
Trả lời
Theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp DN mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.
Theo đó, DN của bạn được thành lập năm 2021, có doanh thu năm 2021 gần 2 tỷ đồng thì không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 nên thuộc đối tượng giảm thuế TNDN theo quy định nêu trên.
Câu hỏi 4
Trong năm 2021, doanh nghiệp chúng tôi có doanh thu từ nhiều hoạt động, ví dụ như doanh thu bán hàng thành phẩm, doanh thu thanh lý tài sản cố định, doanh thu từ hoạt động lãi tiền cho vay... Xin hỏi doanh thu nào của doanh nghiệp được tính để được miễn giảm thuế TNDN năm 2021?
Trả lời
Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác. Do đó, doanh thu từ hoạt động bán thành phẩm tính vào doanh thu để xét giảm thuế TNDN theo quy định. Doanh thu từ hoạt động thanh lý tài sản và hoạt động cho vay không tính vào doanh thu để xét giảm thuế TNDN.
Câu hỏi 5
Trong quá trình đầu tư, nếu doanh nghiệp bổ sung ngành nghề so với giấy chứng nhận đầu tư lần đầu và ngành nghề bổ sung này đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo khu vực thì doanh thu có được từ ngành nghề mới bổ sung đó có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập theo khu vực hay không?
Ngoài ra, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và bổ sung ngành nghề trong quá trình đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu từ ngành nghề mới bổ sung đó có được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian còn lại của dự án đầu tư lần đầu không?
Trả lời
Từ năm 2014, ưu đãi thuế TNDN áp dụng theo Dự án đầu tư (không áp dụng theo đối tượng là pháp nhân – doanh nghiệp). Theo đó, ưu đãi thuế TNDN áp dụng đối với thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư mới hoặc thu nhập từ dự án đầu tư mở rộng.
Điểm 5c Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư của dự án đã đi vào hoạt động mà không thay đổi điều kiện đang được hưởng ưu đãi.
Do đó, việc xác định ưu đãi thuế TNDN đối với việc bổ sung hoạt động kinh doanh trong quá trình đầu tư và hoạt động cần căn cứ tình hình thực tế hoạt động việc bổ sung ngành nghề này thuộc phạm vi dự án đầu tư mới của doanh nghiệp hay là dự án đầu tư mở rộng, từ đó mới có cơ sở xác định ưu đãi thuế TNDN phù hợp theo quy định.
Đề nghị Công ty cung cấp hồ sơ cụ thể cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể căn cứ theo tình hình thực tế Công ty đáp ứng.
Câu hỏi 6
Công ty chúng tôi là doanh nghiệp FDI có dự án tại KCN, được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho dự án tại địa bàn khó khăn (miễn 2 giảm 4). Công ty chúng tôi đi vào hoạt động từ năm 2018 và nộp thuế TNDN 100% cho năm đầu tiên, áp dụng ưu đãi thuế 100% cho năm 2019-2020 và 50% từ 2021-2024. Năm 2021 công ty tôi có giấy xác nhận ưu đãi cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (miễn 4 giảm 9) cho một số mặt hàng. Công ty tách riêng được doanh thu và chi phí của sản phẩm được hưởng và không được hưởng ưu đãi. Vậy xin hỏi nếu năm 2021 công ty tôi áp dụng ưu đãi giảm 100% thuế TNDN cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì các sản phẩm không được ưu đãi có được giảm 50% thuế TNDN theo ưu đãi theo địa bàn không?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 5, Khoản 9 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13, Điều 11, Điều 12 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, Điều 4 Thông tư số 21/2016/TT-BTC ngày 05/02/2016 của Bộ Tài chính thì dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tại khoản 12 Điều 1 Luật số 32/2013QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN quy định: “Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất”. Trường hợp Công ty có dự án đầu tư đáp ứng điều kiện sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận ưu đãi), trong cùng một thời gian Công ty đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế TNDN Công ty được lựa chọn hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi có lợi nhất.
Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện đúng quy định.
Câu hỏi 7
Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch trên địa bàn, 99% là vốn nhà nước và 1% là vốn cổ phần hóa. Vậy có được coi là cơ sở thực hiện xã hội hóa và được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN 10% cho toàn bộ thời gian hoạt động của công ty không?
Trả lời
Tại điểm a khoản 10 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN quy định:“Cơ sở thực hiện xã hội hóa là:
- Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa.
- Các doanh nghiệp được thành lập để hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ sở xã hội hóa phải đáp ứng danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau: “3. Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với:
a) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hoá).
Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hoá được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Tại Mục VI Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ (đã sửa đổi, bổ sung Mục V Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg) trong đó: Khoản 10 Mục VI quy định điều kiện đối với loại hình “Cơ sở cung cấp nước sạch”.
Đề nghị Công ty căn cứ theo các quy định nêu trên và điều kiện thực tế đáp ứng của Công ty, liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
D. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến khai quyết toán thuế TNDN
Câu hỏi 1
Công ty là doanh nghiệp sản xuất phần mềm có trụ sở chính tại Hà Nội và hai chi nhánh phụ thuộc tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, hiện đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo ngành nghề. Theo quy định trước đây thuế TNDN phải nộp được phân chia theo tỷ lệ chi phí các nơi. Theo quy định mới thì thuế TNDN phải tách riêng hoạt động ưu đãi và không hưởng ưu đãi. Trong đó hoạt động ưu đãi cần theo dõi được doanh thu – chi phí phát sinh để tính riêng thuế phải nộp cho địa bàn của chi nhánh. Do công ty không theo dõi được doanh thu riêng, các chi nhánh phải hạch toán phụ thuộc. Vậy với thay đổi như thế này, công ty sẽ xác định doanh thu của hoạt động hưởng ưu đãi ba nơi như thế nào, do tính chất công việc lập trình, các bạn ở ba nơi vẫn cùng tham gia dự án chung.
Trả lời
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh phụ thuộc khác tỉnh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khai thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có chi nhánh phụ thuộc có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập tính thuế nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Trường hợp có khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ không thể hạch toán riêng được thì khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ đó xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp.
Câu hỏi 2
Công ty tôi có dự án chuyển nhượng nhà ở khác tỉnh với trụ sở chính của công ty. Theo quy định tại Nghị định 126 và Thông tư 80 thì Công ty sẽ phải kê khai tờ khai thuế giá trị gia tăng mẫu 01/GTGT tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Xin cho biết Công ty nộp tờ khai đến Cục thuế tỉnh hay Chi cục thuế nơi có dự án.
Trả lời
Trường hợp công ty có hoạt động chuyển nhượng BĐS của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng thì nộp tờ khai 01/GTGT đến cơ quan thuế nơi có hoạt động chuyển nhượng BĐS theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Cục trưởng Cục Thuế có trách nhiệm phân công cơ quan thuế quản lý đối với hoạt động này. Doanh nghiệp sẽ liên hệ với Cục Thuế để được hướng dẫn cơ quan thuế nộp tờ khai đối với tờ khai tháng/quý đầu tiên, các tờ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo thì DN nộp cho cơ quan thuế đã được phân công.
Câu hỏi 3
Công ty tôi là Chủ đầu tư dự án bất động sản có nhiều dự án đầu bất động sản nhà ở để bán ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Theo quy định trước đây về thuế GTGT thì Công ty tôi nộp mẫu 05/GTGT vãng lai ở các tỉnh, thành phố này và sau đó bù trừ số đã nộp ở địa phương nơi có dự án Bất động sản với số phải nộp tại Trụ sở chính. Xin hỏi, theo quy định tại Nghị định số 126 năm 2020 và Thông tư số 80 năm 2021 thì hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án bất động sản nhà ở để bán sẽ kê khai trên mẫu 01/GTGT hay kê khai mẫu 05/GTGT?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC: Trường hợp Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng tại địa bàn tỉnh khác với nơi Doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì thực hiện nộp tờ khai 01/GTGT đối với hoạt động này cho CQT nơi có hoạt động chuyển nhượng BĐS.
Trường hợp DN có hoạt động chuyển nhượng BĐS (không phải là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng) tại địa bàn tỉnh khác với nơi NNT đóng trụ sở chính thì thực hiện nộp tờ khai 05/GTGT đối với hoạt động này cho CQT nơi có hoạt động chuyển nhượng BĐS.
Câu hỏi 4
Nghị định số 126 năm 2020 quy định khai thuế TNDN tại nơi có đơn vị phụ thuộc có thu nhập được hưởng ưu thuế TNDN. Thông tư 80 năm 2021 lại quy định riêng hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì người nộp thuế khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Vậy xin hỏi trường hợp đơn vị phụ thuộc khác tỉnh nơi đóng trụ sở chính, hạch toán tập trung thì khai thuế TNDN tại đâu?
Trả lời
Trường hợp DN có đơn vị phụ thuộc tại tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính thì DN nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN và các phụ lục ưu đãi thuế TNDN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Ứng dụng của ngành thuế sẽ tự chuyển thông tin trên các phụ lục ưu đãi này cho cơ quan thuế nơi có đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, DN phải nộp tiền thuế TNDN phải nộp trên các phụ lục ưu đãi vào NSNN nơi có đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi.
Câu hỏi 5
Năm 2021, nếu DN chưa nộp đủ số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì DN có bị cơ quan thuế xử phạt không?
Trả lời
Theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm (75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm) thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến để báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung quy định nêu trên theo hướng sau: trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý đầu năm (80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm) thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 04 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Quy định sửa đổi này dự kiến áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021.
Tuy nhiên, trong thời gian Nghị định sửa đổi, bổ sung chưa được ban hành, Tổng cục Thuế tạm thời chưa tính tiền chậm nộp đối với số thuế tạm nộp 03 quý còn thiếu của kỳ tính thuế năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên.
Câu hỏi 6:
Công ty tôi có ngành nghề kinh doanh chính là chuyển nhượng Bất động sản. Công ty có 7 địa điểm kinh doanh và có mã địa điểm KD, mã số thuế địa điểm kinh doanh riêng. Công ty nộp thuế TNDN theo phương pháp 20% trên lợi nhuận tính riêng được cho từng địa điểm kinh doanh. Trong năm 2021, Công ty đã nộp đến 75% thuế TNDN của năm 2021 tại các địa điểm kinh doanh, nộp 1% thuế TNDN từ doanh thu nhận trước theo tiến độ thu tiền của KH. Khi quyết toán Thuế TNDN tại các địa điểm kinh doanh năm 2021 là 1% doanh thu hay 20% lợi nhuận. Công ty có phải kê khai PL 03-8A hay không vì năm 2021 công ty chưa áp dụng phương pháp phân bổ thuế TNDN?
Trả lời
- Trường hợp Công ty có hoạt động chuyển nhượng bất động sản cùng tỉnh với nơi có trụ sở chính thì Công ty khai, nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tập trung tại trụ sở chính (bao gồm cả hoạt động đã quyết toán và tạm nộp theo tiến độ chưa quyết toán trong kỳ). Công ty không phải khai Phụ lục 03-8A/TNDN.
- Trường hợp Công ty có hoạt động chuyển nhượng bất động sản khác tỉnh được quyết toán trong kỳ trước thời điểm Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì công ty thực hiện tạm nộp và quyết toán số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại từng tỉnh theo quy định tại Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC (20% lợi nhuận). Trường hợp Công ty có dự án thu tiền theo tiến độ thì Công ty thực hiện tạm nộp 1% trên số tiền thu được tại tỉnh nơi có dự án theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Công ty thực hiện kê khai toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên tờ khai 03/TNDN tại trụ sở chính và kê khai Phụ lục 03-8A/TNDN đối với các hoạt động chuyển nhượng bất động sản khác tỉnh (bao gồm cả hoạt động đã quyết toán và tạm nộp chưa quyết toán trong kỳ)
Câu hỏi 7
Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội và một chi nhánh ở Hưng Yên có mã số thuế riêng. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc nhưng từ trước vẫn kê khai thuế GTGT của chi nhánh ở Hưng Yên, thuế TNCN và thuế TNDN kê khai, quyết toán cùng với công ty mẹ tại Hà Nội. Vậy xin hỏi theo Thông tư 80 thì công ty có phải tách riêng khi kê khai, nộp thuế TNDN cho chi nhánh Hưng Yên không?
Trả lời
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì:
Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế cho toàn bộ hoạt động SXKD tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, trừ trường hợp phải kê khai riêng quy định tại điểm h khoản 1 và điểm a khoản 6 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì:
- Tạm nộp TNDN quý: Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế quý nhưng phải xác định số thuế tạm nộp hàng quý theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại từng tỉnh nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Khai quyết toán năm: NNT xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03-3A/TNDN, 03-3B/TNDN, 03-3C/TNDN, 03-3D/TNDN kèm theo hồ sơ quyết toán thuế và nộp cho cơ quan thuế nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi khác tỉnh và cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Người nộp thuế thực hiện kê khai tổng hợp toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên tờ khai 03/TNDN tại trụ sở chính.
Trường hợp người nộp thuế thuộc trường hợp phân bổ thuế TNDN theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì người nộp thuế tính phân bổ, kê khai thuế TNDN theo quy định tại khoản 2,3 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
Câu hỏi 8
Doanh nghiệp phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng BĐS thì thực hiện quyết toán thuế TNDN theo Thông tư 80/2021/TT-BTC như thế nào?
Trả lời
Công ty thực hiện khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03/TNDN, đồng thời xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho từng tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính (Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tạm nộp hàng quý và quyết toán bằng (=) doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh nhân (x) với 1%) tại phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu (nếu có) đối với hoạt động chuyển nhượng bất động theo mẫu số 03-8A/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp tiền vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Câu hỏi 9
Công văn 2352/TCT-CS ngày 30/5/2016 Tổng Cục Thuế hướng dẫn như sau: “Công ty CP Đường Quảng Ngãi trụ sở chính tại Quảng Ngãi có các nhà máy sản xuất và chế biến tại Bắc Ninh và Gia Lai đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN thì Công ty phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy tại Bắc Ninh và Gia Lai để kê khai, nộp thuế riêng và không thực hiện phân bổ số thuế TNDN phải nộp tại các địa phương theo tỷ lệ chi phí. Số thuế phải nộp tại các địa phương trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở phần thu nhập phát sinh tương ứng tại các địa phương”. Nhưng theo Điểm c, khoản 2, Điều 17 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì thuế TNDN tính theo tỷ lệ (%) chi phí của từng cơ sở sản xuất. Như vậy, Quyết toán thuế TNDN năm 2021, Công ty phải kê khai như thế nào.
Trả lời
Theo quy định tại điểm h khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế phải khai thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh có thu nhâp được hưởng ưu đãi thuế TNDN, phải xác định riêng số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.
Đối với quyết toán thuế năm 2021, Công ty kê khai hoạt động ưu đãi khác tỉnh trên các Phụ lục ưu đãi mẫu số 03-3A/TNDN hoặc 03-3B/TNDN hoặc 03-3C/TNDN hoặc 03-3D/TNDN, xác định thông tin cơ quan thuế quản lý ưu đãi, địa bàn ưu đãi, xác định riêng số thuế phải nộp của hoạt động ưu đãi khác tỉnh ở mục B Phụ lục 03-3A/TNDN và 03-3B/TNDN và mục C Phụ lục 03-3C/TNDN và 03-3D/TNDN và thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách theo địa bàn có ưu đãi mà công ty xác định trên Phụ lục.
Công ty nộp các Phụ lục ưu đãi này kèm tờ khai quyết toán thuế 03/TNDN tại trụ sở chính.
E. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng ứng dụng để khai quyết toán thuế.
Câu hỏi 1
Xin hỏi khi khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN, ở chỉ tiêu G2-Thuế TNDN đã tạm nộp trong năm thì phải nhập số thuế TNDN đã nộp của 3 quý đầu năm được thực hiện trong năm 2021 hay là nhập số thuế TNDN đã nộp của cả 4 quý (vì số thuế của quý 4/2021 sang tháng 1/2022 mới nộp)?
Trả lời
Tại chỉ tiêu [G2] trên tờ khai 03/TNDN, doanh nghiệp kê khai số thuế đã tạm nộp vào NSNN trong năm có thể tính đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.
Câu hỏi 2
Công ty TNHH xổ số kiến thiết Bình Định có các loại doanh thu như sau: 1. Doanh thu dịch vụ Xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ 99,9% (tỷ lệ trên doanh thu thuần của BCTC, không bao gồm Thu nhập tài chính và thu nhập khác). 2. Doanh thu khác: 0,1% (bao gồm: doanh thu từ bán giấy vụn, dịch vụ tin nhắn, cho thuê điểm hủy vé). Như vậy, trên Tờ khai Quyết toán thuế TNDN mẫu số 03/TNDN theo Thông tư số 80, chỉ tiêu số [04] chọn là: Hoạt động xổ số. Xin hỏi ở chỉ tiêu [05] điền như thế nào cho phù hợp?
Trả lời
DN điền tỷ lệ 99,9 % vào chỉ tiêu 5 theo đúng tỷ lệ doanh thu của ngành nghề có doanh thu cao nhất là dịch vụ Xổ số kiến thiết. DN tổng hợp toàn bộ hoạt động SXKD gồm xổ số kiến thiết và hoạt động khác vào cùng một hồ sơ khai quyết toán TNDN.
Tuy nhiên, do số thuế phải nộp của 2 hoạt động này sẽ khác nhau về tiểu mục của mục lục ngân sách khi nộp tiền vào NSNN nên DN phải tính số thuế phải nộp của hoạt động xổ số kiến thiết riêng và kê khai vào chỉ tiêu E1 và số thuế phải nộp của hoạt động khác để kê khai vào chỉ tiêu E5.
Câu hỏi 3
DN tôi kinh doanh về mặt hàng vàng bạc, khi làm tờ khai thuế GTGT thì khai theo mẫu 03/vàng bạc. Trong mẫu 03 không có mục các khoản giảm trừ từ thuế GTGT trực tiếp. Vậy xin hỏi khi làm quyết toán TNDN thì thực hiện theo mẫu 03 hay mẫu 04?
Trả lời
Theo quy định của pháp luật thuế TNDN, DN được lựa chọn phương pháp tính thuế là doanh thu - chi phí hoặc phương pháp trực tiếp trên doanh thu. DN chọn mẫu biểu khai quyết toán thuế TNDN theo đúng phương pháp tính thuế mà DN đã chọn, mẫu 03/TNDN áp dụng cho phương pháp doanh thu - chi phí hoặc mẫu 04/TNDN áp dụng cho phương pháp trực tiếp trên doanh thu.
Câu hỏi 4
Năm 2021, công ty tôi bị lỗ. Trên tờ khai quyết toán thuế TNDN, tôi chỉ điền được chỉ tiêu B13, B14 là số âm, còn tại chỉ tiêu C1 đánh được số dương, nhưng không đánh được số âm. Xin hỏi trường hợp này tôi phải làm thế nào?
Trả lời
Tại phiên bản HTKK 4.7.4 thì đã ràng buộc chỉ tiêu C1 đang tổng hợp bằng chỉ tiêu B14. Do vậy khi bạn nhập chỉ tiêu B14 âm thì chỉ tiêu C1 sẽ tự động cập nhật là số âm theo chỉ tiêu B14.
Câu hỏi 5
Tôi đang thực hiện quyết toán thuế TNDN, tại phụ lục 03-8/TNDN, tôi muốn kê khai cho cơ sở sản xuất khác tỉnh mà trên mục (5) địa bàn hoạt động đó cố định tỉnh của trụ sở chính không cho chọn địa bàn của cơ sở. Đề nghị hướng dẫn tôi cách xử lý trường hợp này.
Trả lời
Khi kê khai phụ lục mẫu 03-8/TNDN, ở dòng "Loại chỉ tiêu" bạn phải chọn là "Cơ sở sản xuất khác tỉnh (trừ nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh)". Lưu ý Chỉ tiêu này có thể được nhập 1 hoặc nhiều dòng.
Câu hỏi 6
Khi quyết toán thuế TNDN, trên phụ lục 03-1A/TNDN tại mã chỉ tiêu 16 (chi phí tài chính) tôi không điền được số âm (-). Vậy đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn.
Trả lời
Theo quy định hiện hành thì DN phải kê khai chi phí tài chính phát sinh trong kỳ là số lớn hơn bằng 0. Do vậy tại ứng dụng HTKK và Etax đang ràng buộc đúng theo quy định.
Câu hỏi 7
Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty tôi là hoạt động quản lý bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, trong mục 04 của tờ khai không có ngành này. Vậy đề nghị TCT hướng dẫn.
Trả lời
Hệ thống ứng dụng HTKK và Etax của ngành thuế hiển thị danh mục ngành nghề có tỷ lệ doanh thu cao nhất tại chỉ tiêu [04] theo ngành cấp 2 của hệ thống ngành kinh tế quốc dân ban hành kèm theo QĐ 27/2018/QĐ-TTg của Chính phủ. DN căn cứ vào ngành nghề có tỷ lệ doanh thu cao nhất là ngành nghề cấp 4, cấp 5 thuộc nhóm ngành nghề cấp 2 tương ứng để chọn vào chỉ tiêu này.
Câu hỏi 8
Công ty tôi có 2 đơn vị phụ thuộc ở 2 tỉnh khác nhau đang hưởng ưu đãi. Xin hỏi phải kê khai như thế nào vì chỉ tiêu 09 phụ lục 03-3a chỉ cho chọn được một tỉnh?
Trả lời
Tại ứng dụng HTKK, Anh/chị kéo xuống phía cuối phụ lục 03-3a và thực hiện chọn "Thêm trang phụ lục" để thực hiện khai mỗi trang phụ lục cho 1 tỉnh khác nhau.
Câu hỏi 9
Đề nghị hướng dẫn tôi cách kê khai tại phụ lục 03-3A của tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu 03/TNDN. Doanh nghiệp tôi không có đơn vị phụ thuộc thì cột mã số thuế phải điền gì ạ? Điền MST 9 số thì phần mềm báo lỗi, không điền cũng báo lỗi.
Trả lời
Khi kê khai tại Phụ lục 03-3A, trường hợp DN bạn không có chi nhánh, thì tại chỉ tiêu “Mã số thuế NNT, đơn vị phụ thuộc, mã địa điểm kinh doanh”: để trống; tại chỉ tiêu “Tên NNT, đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh”: nhập đúng tên DN.
Câu hỏi 10
Năm 2021 doanh nghiệp được ưu đãi miễn thuế TNDN. Xin hỏi về phụ lục 03-3A/TNDN như sau: 1. Cột 13 = Doanh thu từ bán hàng, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập từ hoạt động khác phải không? 2. Cột 15 được hiểu là các Thu nhập được miễn thuế theo luật hiện hành phải không? 3. Cột 18 chọn mức thuế suất là 0,00% đúng không?
Trả lời
Theo khoản 2 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính: Trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.
- Cột 13 phục lục 03-3A/TNDN: Doanh thu tính thuế là doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hoạt động được hưởng ưu đãi.
- Cột 15 thu nhập miễn thuế: là các thu nhập được miễn thuế TNDN theo pháp luật hiện hành. Cụ thể các thu nhập được miễn thuế được hướng dẫn tại điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
- Cột 18 – Thuế suất ưu đãi:
+ Doanh nghiệp thuộc trường hợp áp dụng mức thuế suất ưu đãi theo Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì ghi mức thuế suất ưu đãi tại Cột 18 Phụ lục 03-03A/TNDN.
+ Doanh nghiệp trong thời gian được ưu đãi miễn thuế thì tại cột 22 – Tỷ lệ giảm thuế theo Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC tại Phụ lục 03-03A/TNDN Doanh nghiệp kê khai là 100%.
Câu hỏi 11
Khi kê khai quyết toán thuế TNDN doanh nghiệp chúng tôi có một số câu hỏi xin được Tổng cục Thuế giải đáp.
1. Doanh Nghiệp lỗ thì chỉ tiêu tổng thu nhập chịu thuế âm (B13) và chỉ tiêu B14 âm thì chỉ tiêu C1=B14 trên tờ khai quyết toán âm, nhưng nếu ghi âm thì HTKK báo lỗi và không kết xuất được. Vậy chỉ tiêu này điền số âm hay điền số 0?
2. Nếu trong năm DN không phát sinh doanh thu thì chỉ tiêu số 5 trên tờ khai quyết toán TNDN điền tỷ lệ % là bao nhiêu?
3.Trong quá trình nộp quyết toán thuế mà khi hết thời hạn quyết toán TCT mới thông báo bằng mail là không chấp nhận tờ khai của DN thì với trường hợp này DN có bị tính phạt chậm nộp tờ khai k?
Trả lời
1. Theo quy định Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh và bị lỗ thì kê khai chỉ tiêu B13 theo công thức (số âm), chỉ tiêu B14 (số âm) và chỉ tiêu C1=B14 (số âm).
DN sử dụng ứng dụng HTKK phiên bản 4.7.4 hoặc ứng dụng Etax để kê khai và nộp hồ sơ khai thuế đến CQT.
2. Nếu trong năm DN không phát sinh doanh thu thì chỉ tiêu số 5 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN DN khai tỷ lệ là 100%.
3. Nếu DN nộp hồ sơ quyết toán thuế đến CQT trước thời hạn hoặc đúng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật QLT và đã được CQT trả thông báo tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế ghi nhận ngày nộp là ngày chưa quá hạn nộp hồ sơ khai thuế, sau đó DN mới nhận được thông báo không chấp nhận nộp hồ sơ khai thuế của CQT thì DN phải hoàn thiện các lỗi sai theo nội dung ghi trên thông báo chấp nhận và nộp lại hồ sơ khai thuế cho CQT thì hồ sơ khai thuế này được ghi nhận ngày nộp hồ sơ là ngày ghi trên thông báo tiếp nhận.
Theo Tổng cục thuế