Công văn 32670/CTHN-TTHT trả lời về chính sách thuế việc góp vốn, nhận góp vốn

Công văn 32670/CTHN-TTHT trả lời về chính sách thuế việc góp vốn, nhận góp vốn
TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP.HÀ NỘI
-----
Số: 32670/CTHN-TTHT
V/v:chính sách thuế đ/c việc góp vốn,
nhận góp vốn
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hanh phúc
----------
Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2022

Kính gửi: Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Rich Group
Đ/c: Tầng 12 Tòa nhà VCCI Tower, Số 09, đường Đào Duy Anh, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội; MST: 0109822505

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 0206/2022/VIETRICH ngày 02/6/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Rich Group (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế liên quan đến việc góp vốn, nhận góp vốn, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ


2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.


2. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.


- Căn cứ Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn:

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.


3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

- Căn cứ Điều 50 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế:

1. Người nộp thuế bị ấn định thuế khi thuộc một trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế sau đây:


b) Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;


đ) Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;

…”

- Căn cứ khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT:

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

…”

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính:

+ Tại khoản 3 Điều 2 hướng dẫn về các khoản thu nhập chịu thuế:

3. Thu nhập từ đầu tư vốn

Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:


b) Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.


d) Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.


e) Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.

g) Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.”

+ Tại Điều 10 hướng dẫn về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn:

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thu nhập tính thuế và thuế suất.

1. Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này.

2. Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau:

a) Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

b) Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

c) Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư này thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.

d) Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập.


- Căn cứ Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính:

+ Tại Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

2. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.


+ Tại Điều 5 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung khổ đầu Điều 7:

Điều 7. Thu nhập khác

Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:


3. Thay thế Khoản 22 Điều 7 bằng Khoản 22 mới như sau:

22. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp thì xử lý như sau:

Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được xác định là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được chia cho các thành viên góp vốn cũ thì khoản chênh lệch này là thu nhập của các thành viên góp vốn cũ”.

- Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:

+ Tại Khoản 2 Điều 2 hướng dẫn các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

2. Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...

+ Tại Điều 3 hướng dẫn về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định;

+ Tại Điều 11 hướng dẫn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình:

1. Doanh nghiệp tự xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định vô hình nhưng tối đa không quá 20 năm.

2. Đối với TSCĐ vô hình là giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất thuê, thời gian trích khấu hao là thời gian được phép sử dụng đất của doanh nghiệp.

3. Đối với TSCĐ vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với giống cây trồng, thì thời gian trích khấu hao là thời hạn bảo hộ được ghi trên văn bằng bảo hộ theo quy định (không được tính thời hạn bảo hộ được gia hạn thêm).

+ Tại Điều 13 hướng dẫn về phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:

“…

3. Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSGĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

4. Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Căn cứ quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Công ty nhận vốn góp của cá nhân bằng giá trị quyền sở hữu nhãn hiệu và thực hiện nhận chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu từ cá nhân sang Công ty theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì nghĩa vụ thuế của Công ty và cá nhân như sau:

Hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế. Trường hợp tại thời điểm góp vốn, cá nhân chưa được chi trả thu nhập từ đầu tư vốn thì chưa phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN từ hoạt động góp vốn.

Công ty thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà tài sản sau góp vốn xác định là thuộc sở hữu của Công ty, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN của Công ty.

Việc định giá tài sản góp vốn thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trường hợp tài sản góp vốn được xác định là tài sản cố định vô hình theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC thì Công ty thực hiện trích khấu hao tài sản cố định vô hình theo hướng dẫn tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC nêu trên.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường thì người nộp thuế thuộc Trường hợp bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, đơn vị có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 5 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Rich Group được biết và thực hiện./.
Nới nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT5;
- Phong NVDTPC;
- Website CTHN;
- Lưu: VT, TTHT (2).


KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG



Nguyễn Tiến Trường

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn